Đi ngang qua ngõ nhỏ, chợt nghe mùi thơm nồng đậm đà của nồi bánh canh
ghẹ đang nghi ngút khói; quanh chiếc bàn vuông, có hai, ba người vừa ăn
vừa trò chuyện bằng chất giọng đặc sệt miền Trung “lâu rồi mới được ăn
món ni”, “bánh canh ở đây ngon hỉ”… Lòng bỗng bâng khuâng một nỗi niềm
khó gọi thành tên.
Bánh canh được làm từ bột mì, đem nấu với tôm, cua, ghẹ, giò heo, thịt bò vụn… là một món ăn phổ biến của người miền Trung. Cách chế biến cũng đơn giản, nhanh - gọn - lẹ, chỉ cần chưa tới một tiếng đồng hồ là đã có ngay một nồi bánh canh ghẹ thơm phức.
Để nấu bánh canh ghẹ, các bà nội trợ dạo ra chợ biển từ
sáng sớm, lúc này những chiếc thuyền chài vừa đánh lưới trở về mang
theo mẻ hải sản tươi ngon nhất, nào là cá, tôm, cua, mực, ốc, ghẹ… đủ
loại. Những chú ghẹ tươi rói cỡ vừa hoặc nhỏ, chắc thịt được các bà nội
trợ chọn mua.
Ghẹ mua về dội vài gáo nước cho sạch cát, bóc mai, lấy
gạch cho vào cái chén riêng. Bẻ đôi con ghẹ, cho vào chiếc tô lớn, ướp
với chút nước mắm ngon, tiêu, hành củ xắt nhuyễn, bột ngọt, muối và ớt
bột. Ghẹ được tẩm ướp chừng 5-10 phút cho thấm. Sau đó, bắc chảo dầu
lên, phi thơm hành, rồi cho ghẹ và gạch đã được tách riêng trước đó vào,
xào qua cho bớt mùi tanh.
Bột mì sau khi nhào với nước được để vào một chiếc mâm
sạch. Bây giờ là đến lúc nặn và cán bột. Ngắt khối bột lớn ra thành từng
cục nhỏ bằng nắm tay, rắc bột áo lên thớt, rồi dùng vỏ chai thủy tinh
cán thật mỏng từng cục bột, nhớ rắc ít bột mì lên bề mặt bột đã cán mỏng
để không dính. Cán xong, xếp chồng khoảng 3 - 4 lớp lên nhau rồi thái
thành từng sợi nhỏ, phủ thêm ít bột mì khô để chống dính rồi trải đều ra
mâm.
Khi nồi nước sôi nóng già, vừa từ từ cho sợi bột đã cán
mỏng vào, vừa dùng đôi đũa to hoặc chiếc vá quậy đều, để những sợi bột
mì không bị vón, dính cục vào nhau. Sau đó, cho ghẹ vừa xào vào, nêm nếm
gia vị vừa ăn, cho thêm ít dầu điều để tạo màu nước dùng đẹp mắt và
thơm.
Múc bánh canh ra tô, rắc thêm hành ngò, chan thêm ít
nước mắm ớt, ai thích ăn đủ vị thì vắt thêm miếng chanh. Cái nóng của tô
bánh canh, cái cay của ớt khiến những ngày đầu đông trở nên ấm áp hơn.
Mùi thơm của bột mì, ghẹ quyện lại với nhau, hít hà mãi không thôi.
Thích nhất là vị tươi ngon ngọt của ghẹ, cứ như được vớt lên từ biển cho
thẳng dzô nồi bánh canh. Thế nên, chỉ ở miền biển, món bánh canh ghẹ ăn
mới ngon vì đủ vị mặn mòi của biển khơi, vị tanh nồng, tươi ngon của
những mẻ ghẹ sớm, vị của sản vật đặc trưng quê biển mới có…
Với những đứa con xa quê, lâu lâu lại xách giỏ đi chợ,
tha về đủ thứ nguyên liệu nấu những món “quê mình” hoặc chạy xe cả cây
số tìm đến quán quen, ăn cho đã thèm, để vơi đi nỗi nhớ quê. Họ không
hẳn đi tìm cái ngon, cái khéo tay của đầu bếp mà… muốn tìm lại ký ức
ngày xưa. Họ ăn bằng tấm lòng, bằng kỷ niệm, bằng cả sự háo hức, mừng
vui, như một nhà văn nào đó từng nói rất chính xác, đó là nỗi mừng “tha
hương ngộ cố tri”. Ngày ấy, xì xụp húp tô bánh canh, chỉ nghe cái ngon
của sợi bánh canh mềm dẻo, thịt ghẹ ngọt béo, điểm xuyết vị cay nồng của
ớt, thơm nhè nhẹ của hành ngò. Bây giờ, húp từng muỗng bánh canh, mà
phảng phất đâu đây cái mùi thơm “nhà quê” của khói bếp, của rơm khô, của
nồi bánh canh cứ len trong không gian, bám chặt vào hồn người. Và… ở
mãi trong tâm hồn non nớt của lũ trẻ thơ ngày ấy cho tới tận bây giờ.
Đăng nhận xét