Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Lời khuyên hữu ích cho những ai thích đồ ăn nhanh

Bạn sợ mập và đang muốn giảm cân, nhưng bạn thường xuyên gắn liền với đồ ăn nhanh. Vậy phải làm sao để tránh tăng cân do ăn nhiều đồ ăn nhanh?

 Bạn có thể tham khảo 8 lời khuyên hữu ích dưới đây để giúp bạn có được những bữa ăn nhanh khỏe mạnh.
1. Lựa chọn trước các món ăn

Trước khi có kế hoạch đi ăn thức ăn nhanh, bạn nên dự định trước một số món mình muốn ăn trong đầu, điều này sẽ giúp cho bạn có thể thưởng thức những món ăn yêu thích mà không phải lo lắng đến vấn đề sức khỏe, cân nặng. Và hãy nhớ là luôn luôn kiểm soát khẩu phần ăn của bạn để loại bỏ những món không cần thiết nhé.
2. Tránh ăn các món chiên, xào

Bạn cần tránh các món ăn chiên, xào, kem hoặc nước sốt kem vì chúng chứa nhiều calo, muối và chất béo ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Thay vì lựa chọn các món ăn đó , bạn hãy chọn những món ăn kèm với rau và nếu muốn ăn kèm thịt, hãy chọn thịt nạc thôi nhé để giảm lượng mỡ vào cơ thể.

3. Uống nước khi ăn

Trong khi ăn bánh hamburger hoặc bánh sandwich, bạn hãy nhớ uống cùng với một ly nước vì điều này sẽ giúp bạn tránh ăn quá nhiều.Tốt nhất, bạn nên uống nước lọc chứ không phải các loại nước ngọt hoặc nước có ga. Nước lọc giúp bạn ăn ít hơn, còn nước ngọt và nước có ga đều chứa calo khiến bạn dễ tăng cân nhanh hơn.
4. Ăn từ từ

Ăn chậm, nhai kĩ thức ăn khiến bạn cảm thấy thoải mái, đồng thời cũng giúp  hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, đặc biệt khi ăn đồ ăn nhanh. Nếu ăn quá nhanh, não không kịp phát tín hiệu “no” đến dạ dày. Điều này khiến bạn mất kiểm soát trong ăn uống, dẫn đến ăn quá nhiều mà không biết. và lượng chất béo vào cơ thể bạn càng tăng lên. Vì vậy, sau khi bạn chọn và mua một số thức ăn nhanh, hãy dành ra thời gian để thưởng thức món ăn của bạn.
5. Ăn vừa đủ

Đôi khi bạn mua quá nhiều thức ăn, vượt quá sức tiêu thụ của bạn trong một bữa, bạn không nhất thiết là phải ăn hết chúng ngay một lúc, mà nên chia nhỏ chúng ra, cất bớt đi và ăn nó vào các bữa sau trong ngày.Việc này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng ăn quá nhiều, dẫn đến dư thừa calo không cần thiết.
6. Kiểm tra lượng muối

Ăn quá nhiều muối (nhiều hơn 4-5g mỗi ngày) có thể gây hại cho sức khỏe. Nó sẽ phá hủy bao tử bạn, tăng khả năng mất canxi trong thận và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.Đặc biệt, các món ăn nhanh thường chứa hàm lượng muối cao. Vì vậy, bạn rất cần chú ý khi lựa chọn thực phẩm ăn nhanh. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối như khoai tây chiên, xúc xích và gà rán.
7. Lựa chọn nước xốt

Hầu hết các món ăn ở của hàng thức ăn nhanh thường ăn kèm với nước xốt hoặc xốt mayonnaise. Vì thế, bạn nên thay chúng bằng cách lựa chọn các loại nước chấm khác ít chất béo và calo hơn như nước sốt mù tạt thay vì mayonnaise.
8. Ăn kèm rau xanh

Khi muốn gọi bất kì một món ăn nào, bạn nên gọi món ăn có nhiều rau xanh. Việc này sẽ giúp cơ thể của bạn hấp thụ được nhiều vitamin, chất xơ mà không phải lo nạp quá nhiều calo vào cơ thể.

Dân dã miền biển cùng món canh ghẹ

Đi ngang qua ngõ nhỏ, chợt nghe mùi thơm nồng đậm đà của nồi bánh canh ghẹ đang nghi ngút khói; quanh chiếc bàn vuông, có hai, ba người vừa ăn vừa trò chuyện bằng chất giọng đặc sệt miền Trung “lâu rồi mới được ăn món ni”, “bánh canh ở đây ngon hỉ”… Lòng bỗng bâng khuâng một nỗi niềm khó gọi thành tên.


Bánh canh được làm từ bột mì, đem nấu với tôm, cua, ghẹ, giò heo, thịt bò vụn… là một món ăn phổ biến của người miền Trung. Cách chế biến cũng đơn giản, nhanh - gọn - lẹ, chỉ cần chưa tới một tiếng đồng hồ là đã có ngay một nồi bánh canh ghẹ thơm phức. 
Để nấu bánh canh ghẹ, các bà nội trợ dạo ra chợ biển từ sáng sớm, lúc này những chiếc thuyền chài vừa đánh lưới trở về mang theo mẻ hải sản tươi ngon nhất, nào là cá, tôm, cua, mực, ốc, ghẹ… đủ loại. Những chú ghẹ tươi rói cỡ vừa hoặc nhỏ, chắc thịt được các bà nội trợ chọn mua.
Ghẹ mua về dội vài gáo nước cho sạch cát, bóc mai, lấy gạch cho vào cái chén riêng. Bẻ đôi con ghẹ, cho vào chiếc tô lớn, ướp với chút nước mắm ngon, tiêu, hành củ xắt nhuyễn, bột ngọt, muối và ớt bột. Ghẹ được tẩm ướp chừng 5-10 phút cho thấm. Sau đó, bắc chảo dầu lên, phi thơm hành, rồi cho ghẹ và gạch đã được tách riêng trước đó vào, xào qua cho bớt mùi tanh.
Bột mì sau khi nhào với nước được để vào một chiếc mâm sạch. Bây giờ là đến lúc nặn và cán bột. Ngắt khối bột lớn ra thành từng cục nhỏ bằng nắm tay, rắc bột áo lên thớt, rồi dùng vỏ chai thủy tinh cán thật mỏng từng cục bột, nhớ rắc ít bột mì lên bề mặt bột đã cán mỏng để không dính. Cán xong, xếp chồng khoảng 3 - 4 lớp lên nhau rồi thái thành từng sợi nhỏ, phủ thêm ít bột mì khô để chống dính rồi trải đều ra mâm.
Khi nồi nước sôi nóng già, vừa từ từ cho sợi bột đã cán mỏng vào, vừa dùng đôi đũa to hoặc chiếc vá quậy đều, để những sợi bột mì không bị vón, dính cục vào nhau. Sau đó, cho ghẹ vừa xào vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, cho thêm ít dầu điều để tạo màu nước dùng đẹp mắt và thơm.
Múc bánh canh ra tô, rắc thêm hành ngò, chan thêm ít nước mắm ớt, ai thích ăn đủ vị thì vắt thêm miếng chanh. Cái nóng của tô bánh canh, cái cay của ớt khiến những ngày đầu đông trở nên ấm áp hơn. Mùi thơm của bột mì, ghẹ quyện lại với nhau, hít hà mãi không thôi. Thích nhất là vị tươi ngon ngọt của ghẹ, cứ như được vớt lên từ biển cho thẳng dzô nồi bánh canh. Thế nên, chỉ ở miền biển, món bánh canh ghẹ ăn mới ngon vì đủ vị mặn mòi của biển khơi, vị tanh nồng, tươi ngon của những mẻ ghẹ sớm, vị của sản vật đặc trưng quê biển mới có…
Với những đứa con xa quê, lâu lâu lại xách giỏ đi chợ, tha về đủ thứ nguyên liệu nấu những món “quê mình” hoặc chạy xe cả cây số tìm đến quán quen, ăn cho đã thèm, để vơi đi nỗi nhớ quê. Họ không hẳn đi tìm cái ngon, cái khéo tay của đầu bếp mà… muốn tìm lại ký ức ngày xưa. Họ ăn bằng tấm lòng, bằng kỷ niệm, bằng cả sự háo hức, mừng vui, như một nhà văn nào đó từng nói rất chính xác, đó là nỗi mừng “tha hương ngộ cố tri”. Ngày ấy, xì xụp húp tô bánh canh, chỉ nghe cái ngon của sợi bánh canh mềm dẻo, thịt ghẹ ngọt béo, điểm xuyết vị cay nồng của ớt, thơm nhè nhẹ của hành ngò. Bây giờ, húp từng muỗng bánh canh, mà phảng phất đâu đây cái mùi thơm “nhà quê” của khói bếp, của rơm khô, của nồi bánh canh cứ len trong không gian, bám chặt vào hồn người. Và… ở mãi trong tâm hồn non nớt của lũ trẻ thơ ngày ấy cho tới tận bây giờ.

Trị bé kén ăn bằng món mới vị quen

Bí kíp hay cho mẹ giúp bé 'kén cá chọn canh' ăn ngoan, ăn khỏe đây.


Những rắc rối xung quanh việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ quả thật là một vấn đề khiến không ít bà mẹ đau đầu. Từ chuyện cho con ăn món gì, chọn thực phẩm và cách chế biến ra sao, đến việc dỗ bé ăn thôi cũng đòi hỏi ở mẹ rất nhiều công sức.
Đối với bản thân mình, giai đoạn Na dưới 3 tuổi, mình thật sự rất vất vả với "khoản" ăn uống của con. Na đặc biệt kén ăn, chỉ ăn các món ăn quen thuộc mà con thích và sẽ lắc đầu nguầy nguậy với bất kể món ăn hay loại trái cây nào nhìn lạ mắt hay có vị khác. Lo lắng con không đủ chất dinh dưỡng và sẽ giữ mãi thói quen kén chọn thức ăn cho đến khi trưởng thành, mình quyết định lập chiến lược để thay đổi thói quen ăn uống này của Na. Và dưới đây là 5 bước quan trọng, mình xin chia sẻ cùng các mẹ, để giúp các bé 'kén cá chọn canh' chịu ăn ngoan, ăn khỏe hơn.
1. Không dừng lại ở một cách chế biến món ăn
Mình thấy có nhiều mẹ muốn đổi món cho con nhưng chỉ sau một đến hai lần đầu con không thích và không ăn là mẹ xóa luôn tên loại thực phẩm đó trong thực đơn của con. Như vậy thật sự không nên! Mình vẫn nhớ, lần đầu tiên mình cho Na thử món cà rốt luộc, nhìn thấy màu đỏ của cà rốt mình đã thấy con ngại ngùng không muốn ăn. Mẹ dỗ mãi thì Na cũng để mẹ đút cho một miếng, nhưng vừa nhai con lại nhả ra ngay. Biết con không thích ăn cà rốt luộc, lần sau mình thái nhỏ và ninh nhuyễn cùng với cháo. Sau vài lần quen vị cà rốt trong cháo, mình quay lại với món cà rốt luộc và Na đã ăn được ngon lành.
Kinh nghiệm cho các mẹ là đừng dừng lại ở một cách chế biến, nếu không thành công với cách luộc thì chuyển qua món chiên, xào hoặc xay nhuyễn… cho đến khi bé chịu thử mới thôi.
2. Lặp lại các món ăn mới thường xuyên
Nếu hôm nay mẹ cho bé ăn thử món cháo có thành phần cà rốt ninh nhuyễn thì 2 - 3 ngày sau mẹ lại nhắc lại thành phần này trong cháo. Nếu mẹ để một thời gian lâu sau mới nhắc lại món cà rốt thì coi như công sức của những lần đầu đã đổ xuống sông xuống bể vì món cà rốt bây giờ là món hoàn toàn mới và mẹ lại phải cho bé thử lại từ đầu.
Thông thường có thể mất đến 7 lần hoặc hơn nữa để một em bé kén ăn chấp nhận một món ăn mới và thấy thích món ăn đó. Vì thế các mẹ nhớ lặp lại các món ăn mới thường xuyên để bé yêu chấp nhận mới thôi nhé.
3. Sáng tạo để tăng sự hấp dẫn của các món ăn mới
Các mẹ nên dành nhiều công trong việc chế biến và trang trí các món ăn lạ để hấp dẫn bé yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trái cây thì mẹ có thể cắt hình hoa, bánh thì mẹ có thể nặn hình con vật, rau xanh thì mẹ có thể sắp xếp đẹp mắt (ví dụ như miếng súp lơ xanh mẹ đặt đứng lên giống một cái cây,…). Hoặc mẹ tạo hứng thú cho bé bằng cách thay đổi cách ăn thông thường, ví dụ: với món phô mai, thay vì để con cắn từng miếng, mẹ hãy thử cắt thành từng miếng nhỏ ra đĩa để trẻ dùng tăm và xiên bỏ vào miệng. Như vậy thì tự các món ăn sẽ có sự hấp dẫn đặc biệt với bé và hiệu quả cũng vượt trên sự mong đợi của mẹ nữa đấy.
4. Ăn món mới vì có gia vị quen
Các mẹ chắc đang thắc mắc “ăn món mới với gia vị quen” là như thế nào đúng không? Chiêu này rất đơn giản mà cũng không kém phần hiệu quả. Na nhà mình đặc biệt thích xốt mai-o-ne (mayonnaise). Nắm bắt được sở thích này của con, mỗi bữa ăn mình đều chuẩn bị hôm thì một đĩa rau tươi, hôm thì rau luộc để Na chấm với xốt mai-o-ne. Na thường không quan tâm lắm đến món ăn gì mà chỉ rất thích thú chấm chúng với món xốt yêu thích. Chính vì thế mà câu chuyện ăn rau xanh của Na trở nên rất đơn giản.
5. Cho con thử món ăn của mẹ
Bạn có thấy là khi ép trẻ ăn thì phản ứng thông thường là con sẽ từ chối. Nhưng để trẻ tự nguyện thì hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu mẹ có dự định cho bé thử một món lạ thì có thể bắt đầu bằng việc chế biến món ăn đó cho cả gia đình. Hãy cho bé thử một vài miếng nhỏ trong đĩa thức ăn của bạn đến khi trẻ đồng ý để mẹ lấy riêng vào bát cho trẻ thì có nghĩa là bạn đã thành công rồi đấy.
Các cách mà mình vừa nêu ra không hề khó đúng không các mẹ. Các mẹ chỉ cần dành ra một chút thời gian và tăng thêm một chút khéo léo là các bé yêu sẽ sớm làm quen và dễ dàng chấp nhận tất cả các loại thực phẩm. Chúc các mẹ thành công!
 

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Cách làm bánh cuốn nhân cá hồi

1. Nguyên liệu

  •  Bánh ướt tròn, loại lớn: 8 miếng
  •  Cá hồi phi lê: 150g
  •  Nấm mèo: 2 tai
  •  Hành tây: 1/2 củ
  • Nước dừa tươi: 1 chén
  •  Hành tỏi băm, ớt băm, nước cốt chanh, hành phi, ngò rí, giá, xà lách, rau thơm, tiêu, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm.

2. Cách làm bánh cuốn nhân cá hồi

Bước 1. Sơ chế
  • Cá hồi cắt đôi, ướp 1thìa hạt nêm, 1/3thìa tiêu, 1thìa nước mắm, để thấm 5 phút sau đó chiên vàng vừa chín, dùng nĩa tách tơi nhưng không nát.
  • Nấm mèo ngâm nở, cắt nhuyễn. Hành tây cắt nhỏ. Giá chần, để nguội. Xà lách cắt sợi. Rau thơm cắt nhỏ. Nước dừa nấu sôi để nguội.
Bước 2. Thực hiện
  • Phi thơm hành tím băm, cho hành tây, cá hồi, nấm mèo vào xào thơm, nêm 1/2thìa đường, ít tiêu, thêm 1thìa hành phi vào, tắt lửa.
  • Thoa ít dầu lên trên khay, trải bánh cuốn lên trên, xếp ngò rí và nhân rồi cuốn lại.
  •  Pha nước mắm: nấu tan 3 thìa nhỏ đường với 1 chén nước dừa, thêm 3 thìa nước mắm, để nguội, cho vào ½ thìa tỏi băm, 1/2 thìa ớt băm, 1thìa nước cốt chanh.
Bước 3. Cách dùng
Xếp bánh cuốn, giá và rau ra dĩa, chan thêm nước mắm, rắc hành phi lên trên.

Tránh béo phì cho trẻ với chả khoai môn thì là

Những bậc phụ huynh có con bị béo phì đừng nên chủ quan, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ mắc bệnh của con bạn sẽ ở mức cao. Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bé yêu nhà bạn khoẻ mạnh và không tăng cân.
 Nguyên liệu
  • Khoai môn: 80g
  •  Củ sen: 50g
  •  Râu mực: 50g
  •  Tôm sú: 50g
  •  Trứng gà: 2 quả
  •  Thì là băm nhỏ: 1m
  •  Cà rốt: 50g
  •  Tương ớt (chai tương ớt có đầu nhỏ để bắt lên mặt chả), bột chiên

Cách làm chả khoai môn thì là

Bước 1:  Sơ chế
  • Khoai môn, củ sen, cà rốt: cắt sợi nhỏ 3cm. Râu mực, tôm: cắt hạt lựu.
  • Trộn để khoai môn, củ sen, cà rốt, râu mực, tôm với 2 lòng đỏ trứng gà và 1/2 gói Bột Chiên Gà Giòn, cuối cùng cho thì là vào.
Bước 2. Chiên: Đun nóng dầu ăn, cho hỗn hợp rau củ vào, định hình thành hình tròn, chiên đến khi chả chín vàng, vớt ra để ráo dầu.
Bước 3. Cách dùng: Xếp chả khoai môn thì là ra dĩa, khi ăn chấm kèm tương ớt.
 Món ăn này rất dễ ăn và phù hợp cho trẻ nhỏ, giúp trẻ nhỏ giảm thiểu nguy cơ béo phì tốt.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Mẹo văt giảm vị mănj cho canh và cá kho

Đôi khi, chỉ vì sơ sót trong khâu chế biến mà món canh hoặc cá kho của bạn bị mặn, rất khó ăn. Bạn đừng lo lắng, vì với những mẹo sau đây, bạn sẽ giảm được tối đa vị mặn cho món canh và cá kho của mình đấy.


Với món kho:
- Nếu lỡ tay kho thịt hay cá quá mặn, bạn chỉ cần cho vào nồi một ít nước chanh tươi, vị chua của chanh sẽ giúp trung hòa vị mặn món ăn. Đường với giấm cũng rất có ích trong trường hợp này. Chỉ cần một ít vị ngọt của đường, hay vị chua của giấm sẽ giúp bạn cứu nguy cho món ăn của mình.

- Những món kho nhiều nước, bạn có thể cho thêm nước như là một cách chữa cháy hiệu quả. Nếu trong bếp có sẵn mật ong, hãy cho vào món kho một ít mật ong sẽ hết mặn và đậm đà hơn.
- Quả cà chua cũng rất có ích trong trường hợp này. Cho vào thức ăn bị mặn một ít cà chua thái lát, vị chua tự nhiên trong cà chua giúp giảm độ mặn và làm món ăn ngon miệng hơn. 

Canh, soup bị mặn:

- Khoai tây tươi là cách tốt nhất trong trường hợp này. Gọt sạch củ khoai tây, thái thành từng lát mỏng cho vào nồi canh hoặc soup, khoai tây sẽ giúp trung hòa vị mặn. Khi nào dọn thức ăn lên bàn, bạn mới vớt khoai tây ra.
- Nếu không có khoai tây, bạn có thể sử dụng lòng trắng trứng. Cho lòng trắng trứng vào nồi canh hoặc soup đang nấu, đun sôi lên rồi vớt bỏ lòng trắng trứng.
- Cho thêm đường hoặc nước. Vị ngọt của đường hoặc cho thêm nhiều nước sẽ giúp giảm vị mặn trong món ăn. Ngoài ra, cơm hay gạo cũng là một mẹo hay cho bạn. Cho cơm hoặc gạo vào một túi lưới, buộc chặt lại thả vào nồi canh, cách này sẽ giúp hút bớt thành phần muối có trong món ăn.


Món ngon không cần nấu

Thú thật với các bạn, thời gian vừa qua, mỗi khi bật bếp gas để nấu nướng tôi lại cảm thấy… chùn tay. Giá gas liên tục nhảy nhót, cứ xuống được một thì lại tăng ba, chưa kể đi chợ từ cọng ngò đến củ hành đều tăng giá nhức đầu, bảo sao các bà nội trợ không phải tính toán.
Vì thế, tôi chợt nghĩ liệu có cách nào để vẫn có bữa ăn ngon mà không phải dùng bếp. Và đây, món ăn chỉ cần dùng lò nướng hoặc lò vi ba thôi, lại lạ và độc đáo nữa, bạn thử xem nhé.
Cua bể nhồi ớt nướng
Nguyên liệu:
200g thịt cua đã gỡ sạch; 2 quả ớt chuông; 1 củ hành tây; 1 nhánh tỏi tây, bằm nhỏ; 1 muỗng ngò tây băm nhỏ; 50g bơ; 120g bánh mì vụn (hoặc bột xù).

Cách làm:
Bươc 1: Ớt cắt ngang, dùng kéo cắt bỏ hạt, bỏ ruột.
Bươc 2: Trộn một nửa lượng bơ, nửa bánh mì vụn cùng với tỏi tây, ngò tây, thịt cua rồi cho vào chén, dùng nilông bọc thức ăn bịt kín lại, cho vào lò vi ba, quay khoảng một phút, lấy ra đảo đều rồi cho vào quay lại một phút nữa.
Bươc 3: Nhồi hỗn hợp vào đầy từng nửa quả ớt.
Bươc 4: Phần bơ và bánh mì vụn còn lại trộn đều với nhau và phết lên mặt từng quả ớt. Cho vào lò nướng mười phút ở nhiệt độ 180oC (lò bật nóng sẵn)
Bươcs 5: Món này dùng nóng mới ngon, cua biển thơm lừng béo ngậy khi nướng cùng với bơ, vị thơm ngọt của ớt chuông làm cho cua đỡ ngấy. Một ly vang trắng dọn cùng sẽ rất “ăn” với nhau và xứng đáng là một món khai vị tuyệt hảo.
Lưu ý:
Thịt cua nếu mua ở chợ, người ta gỡ sẵn thì nên dùng tay để nhặt lại vì luôn còn sót lại xương dăm bên trong miếng thịt cua.
Nguôn: Monanngon


Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

3 món ăn giải nhiệt ngày hè

Mùa hè đến cũng là lúc mọi người thường hay nghĩ tới những món ăn giải nhiệt, đặc biệt là những món ăn với nguyên liệu từ trái cây.

Cá hồi áp chảo xốt chanh dây
Nguyên liệu: 180g phi lê cá hồi, gia vị tổng hợp, bột ướp bò, tỏi băm, dầu ô-liu, trứng cá hồi, mè đen.
Xốt chanh dây: ½ chanh dây, 1 trái cam, ½ thìa cà phê muối tiêu, 2 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê kem tươi (whipping cream).
Thực hiện:
Cá hồi rửa sạch, để da, ướp với bột ướp bò và gia vị tổng hợp. Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa súp dầu ô-liu, đem cá áp chảo cho đến khi cá chín, vàng hai mặt.
Làm xốt chanh dây: Chanh dây và cam lấy nước, lọc bỏ xác, cho vào nồi, nấu cạn còn khoảng một nửa thì cho tiếp kem tươi vào. Khi thấy hỗn hợp sôi lại, sủi bọt chầm chậm thì nêm muối tiêu và 1 thìa cà phê đường cho vào vừa ăn, tắt lửa.
Trình bày: Xếp cá ra dĩa, rắc ít mè đen lên mặt cá và trứng cá xếp xung quanh. Rưới sốt lên mặt cá. Ăn cùng với cơm nóng.
Bánh tart trái cây
Nguyên liệu:
- Vỏ bánh: 400g bột mì, 200g bơ frais, 80g đường xay, 2 trứng
- Nhân bánh: 300g sữa tươi, 100g đường, 5 lòng đỏ, vani, 200g whipping, trai cây tùy thích
Thực hiện:
- Vỏ bánh: Bột mì + đường xay + muối rây mịn. Cho bơ frais còn độ dẻo cắt vụn đổ vào hỗ hợp bột trộn đều tơi mịn, cho trứng vào nhổi đều. Nghỉ trong tủ lạnh 2g.  Cán mỏng vỏ bánh 2, 3 li lót vào không tart, xăm đầu đáy bánh để không bị phồng. Cho vào lò nướng 180oC đến khi có màu vàng đẹp.
- Nhân bánh: Sữa tươi + đường nấu ấm lửa nhỏ. Lòng đỏ đánh tan cho vào sữa ấm khuấy nhanh tay. Rây bột bắp vào khuấy đều đến khi đặc lại. Cho whipping vào + vani. Cho vào túi bắt bông kem.
Trang trí: Cho nhân kem vào chén bánh đã nước, xếp trái cây lên trên.
Salad trái cây nhiệt đới
Nguyên liệu: Thanh long, dâu tây, cà chua bi, thơm, dầu ô-liu, đường, nước cốt cam.
Thực hiện:
Thanh long bỏ vỏ, cắt nhỏ thành những ô vuông vừa ăn. Dâu tây, cà chua bi rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc.
Cho tất cả nguyên liệu vào 1 bát lớn. Sau đó rưới nước cốt cam vào hỗn hợp trái cây, thêm ½ muỗng canh đường, 1 muỗng dầu ô-liu, đảo đều.
Trình bày: Trút hỗn hợp ra đĩa, trang trí bằng các lá thơm.
Với nguyên liệu chính là nhiều loại trái cây tươi ngon cùng cách chế biến đơn giản, món salad trái cây là một sự lựa chọn tuyệt vời giúp giải ngán và đánh tan mệt mỏi ngày hè.


Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ

Ngoài các loại trái cây quen thuộc mọi người thường ăn trong ngày tết Đoan Ngọ thì còn có rất nhiều các món ăn không thể thiếu được trong ngày này. Một trong số đó có thể kể tới như là:

Bánh ú nước tro
Bánh ú nước tro là món ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Chiếc bánh có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bên ngoài gói lá. Bánh được bán nhiều trong các ngôi chợ vào những ngày này.

Để làm bánh tro, đầu tiên lấy rơm nếp đốt lấy tro, hòa với nước cho tan và để lắng. Chắt lấy phần nước trong đem ngâm với gạo nếp. Không nên ngâm quá lâu để tránh mùi nồng của bánh, thường chỉ nên ngâm trong khoảng từ nửa ngày đến một ngày. Nếp ngâm xong, vớt ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Nhân bánh thường bằng đậu xanh hoặc không nhân. Đậu xanh ngâm qua đêm cho nở, nấu chín và tán nhuyễn với đường cát.
Lá để gói bánh trong truyền thống là lá tre, ngày nay, một số nơi người ta dùng lá chuối để thay cho lá tre. Cuốn một đầu lá thành hình chiếc phễu, cho vào một ít nếp, nhân, bên trên thêm một lớp nếp nữa và gói lại thành một hình tam giác cho thật kín, dùng dây chuối buộc chặt bên ngoài. Xếp bánh vào nồi và đem luộc, khi bánh chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho bánh nguội, sau đó buộc bánh thành từng chùm vào trên lên sàn cho bánh nhanh khô lá. Bánh thường để cúng và làm quà cho người thân trong gia đình vào ngày tết Đoan Ngọ.
Cơm rượu
Giống như bánh ú nước tro, cơm rượu cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Theo quan niệm của dân gian, trong bụng chúng ta thường chứa rất nhiều các loại ký sinh gây hại, trong ngày tết Đoan Ngọ, các loại ký sinh thường ngoi lên nên chúng ta phải ăn thức ăn có vị chua vào để diệt chúng. Chính vì vậy nên dù có khác nhau về cách chế biến thì cơm rượu là món ăn phổ biến từ Nam ra Bắc trong ngày này. 
Không như cơm rượu của miền Bắc thường rời, cơm rượu miền Trung ép thành từng khối thì cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn. Món ăn có nước tiết ra, pha thêm đường nên có vị ngọt đúng chất miền Nam. Cơm rượu được chế biến như nấu xôi. Gạo nếp sau khi chín, trải đều ra mâm hay khuôn và để hơi nguội, không được quá nóng men rượu sẽ bị chết không lên men. 
Dùng một cái đồ rây lỗ nhỏ, cho men rượu đã giã mịn vào và rây một lớp men lên bề mặt xôi. Tiếp tục lật ngược bề mặt xôi bên dưới, rây một lớp men mỏng. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên làm cho tính chất bổ dưỡng của món này cũng tăng lên. Cơm rượu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, trừ đàm, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn.
Chè trôi nước
Ngoài bánh ú nước tro, cơm rượu thì chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày này. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
Để nấu món chè trôi nước ngọt ngào, thoảng hương thơm ngan ngát của gừng già, béo ngậy của nước cốt dừa, không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp. Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa. 
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên. Cắn một miếng bột, sau vị dẻo thơm của nếp là vị bùi bùi của nhân đậu. Húp một muỗng nước để cảm nhận vị ngọt ngào của đường, ấm nóng của gừng, vị béo của nước cốt dừa và thơm lừng của những hạt vừng bé nhỏ lan trên đầu lưỡi.


Cho bé ăn gì khi bị ốm

Bé yêu của bạn bị ốm làm bạn bối rối và lo lắng. Việc chăm sóc bé bị ốm cũng là một điều quan trọng và cần những lưu ý đặc biệt. Dưới đây là những món mà bạn nên cho bé ăn khi bị ốm nhé.


Dinh dưỡng cho bé bị sốt
Khi bị sốt, bé thường thấy mệt mỏi và buồn ngủ, bạn hãy để bé nghỉ ngơi. Bị sốt cơ thể bé mất nhiều nước và nước bọt giảm tiết, do đó mẹ chăm con bị ốm cần lưu ý là thường xuyên bổ sung nước cho con. Bạn cũng nên cho trẻ trẻ uống thêm nước trái cây để bổ sung nước và vitamin.


Bé bị sốt sẽ làm giảm các hoạt động của hệ tiêu hoá đặc biệt là dạ dày, vì vậy mẹ nên cho bé ăn thức ăn loãng, dễ tiêu nhưng vẫn cung cấp đủ chất béo và đạm như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua… Nếu bé còn bú thì bạn nên cho trẻ bú nhiều lần, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn. Các bà mẹ cũng nên uống thêm sữa và nước để đủ sữa cho trẻ.

Dinh dưỡng cho bé tiêu chảy

Bạn nên cho bé uống uống nhiều nước (nước lọc, nước canh) bên cạnh dung dịch bù nước Oresol, do tiêu chảy làm trẻ bị mất nhiều nước. Một số bà mẹ cứ nghĩ rằng, con bị tiêu chảy thì ăn vào bao nhiêu thì ra hết bấy nhiêu nên chỉ ăn cháo trắng và muối. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, bạn không những không được bắt trẻ ăn kiêng mà còn phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho bé.

Bạn cứ tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ hoặc bú sữa bình nhiều lần trong ngày và bạn cũng cần ăn nhiều đạm (thịt, cá) và hạn chế ăn chất xơ như rau xanh với bé dưới sáu tháng tuổi. Bạn cũng có thể cho bé ăn một số loại quả như: chuối, xoài, đu đủ, hồng xiêm, táo, lê…

Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu protein, bột đường và vitamin như gạo, thịt lợn, trứng, cà rốt, thịt gà, cá, khoai tây… và chế biến thành những thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu với bé trên sáu tháng tuổi. Thịt gà và cà rốt rất tốt cho những bé bị tiêu chảy.

Các mẹ cũng nên lưu ý khi chăm bé bị tiêu chảy là trong thời gian bé bị tiêu chảy nên giảm các thực phẩm giàu chất xơ; tinh bột nguyên hạt như ngô, đậu; thức ăn có nhiều đường; thức uống có gas vì những thức ăn đó không những khó tiêu mà còn làm cho tình trạng bệnh của bé nặng thêm.

Dinh dưỡng khi bé bị ho

Trong lúc bé bị ốm, bé cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa… đảm bảo bốn nhóm bột, béo đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ và hoa quả để tăng sức đề kháng để chống bệnh. Bạn nên chia bữa ăn của bé ra làm nhiều lần.

Bạn cũng nên hạn chế cho bé ăn những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như: chiên, xào… Đối với bé có cảm giác tanh, dễ gây ói thì bạn không nên cho bé ăn cá, bạn cần đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho tập ăn trở lại.

Trước khi cho bé ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng bé nhằm giúp đờm nhớt không còn đọng ở cổ trẻ. Điều này giúp bé giảm ho và không bị nôn khi ăn.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

Bánh gato dâu mini

Bánh gato dâu mini là một sự lựa chọn nhanh gọn, thích hợp cho các bạn thích ăn bánh gato nhưng lại không ăn được quá nhiều trong một lần.
 

Nguyên liệu chuẩn bị
  • Bánh mỳ gối
  • Dâu tây tươi
  • Kem wipping
  • Đường kính
Cách làm
  • Bước 1: Đặt nồi lên bếp, đổ chút nước vào rồi thêm vài thìa đường, vừa đun nhỏ lửa vừa khuấy đều cho đường tan. Đến khi nước đường sôi lên thì bắc ra.
  • Bước 2: Chuẩn bị những vật có miệng tròn để cắt từng lát bánh, đồng thời cắt những ống nhựa làm khuôn bánh có chu vi bằng dụng cụ cắt bánh. 
  • Bước 3: Dùng các dụng cụ này để cắt bánh mỳ thành từng lát tròn. Rồi đem tất cả các lát bánh này nhúng vào nước đường, khi bánh ngấm hết thì bỏ ra.
  • Bước 4: Xếp 1 lớp bánh vào khuôn, phun một ít kem wipping lên trên, lấy thìa gạt đều khắp bề mặt.
  • Bước 5: Xếp các miếng dâu tây đã xắt nhỏ lên.
  • Bước 6: Tiếp tục phun 1 lớp kem nữa rồi đặt tiếp 1 lát bánh mỳ lên trên. Sau đó trên cùng lại trát tiếp 1 lớp kem như thế này là làm xong bánh dâu rồi đấy. Cho bánh vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng. 
Nguồn: Internet

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

3 tuyệt chiêu giúp sáng bóng bếp

Với nhiều người, gian bếp là không gian quan trọng nhất, như “trái tim” của mỗi ngôi nhà với những bữa cơm ấm áp cùng gia đình. vì thế, chúng tôi xin chia sẻ cùng các chị em nội trợ 3 tuyệt chiêu giúp bếp sáng bóng hơn.
 

1. Nấu ăn và dọn dẹp – “Song kiếm hợp bích”
Bạn sẽ cảm thấy rất “ngán ngẩm” sau khi nấu nướng nếu gian bếp như một “bãi chiến trường” với vô số đồ dùng sạch, bẩn nằm ngổn ngang.Vì vậy, hãy tập thói quen nấu và dọn cùng lúc bằng cách để sẵn 1 khăn lau bếp bên cạnh giúp bạn có thể lau ngay các vết bẩn khi chế biến thức ăn và 1 chậu nước riêng để bỏ các vật dụng đã sử dụng và rửa nhanh trong lúc chờ món ăn chín…

Với “bí kíp” này, sau khi hoàn tất món ăn, gian bếp của bạn sẽ sạch bóng như lúc bắt đầu mà không mất quá nhiều thời gian
2. Dùng sản phẩm hỗ trợ lau dọn bếp
Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến muối, chanh, giấm có hiệu quả như thế nào trong việc chùi rửa các dụng cụ nhà bếp. Tuy nhiên, với khoảng thời gian eo hẹp và bận rộn trong cuộc sống hiện nay, bạn có thể chọn những phương pháp đơn giản, hiệu quả mà ít tốn thời gian hơn như kem tẩy đa năng giúp làm sạch vết bẩn, sáng bóng bề mặt gian bếp.
Rất đơn giản, chỉ cần đổ một ít kem tẩy đa năng lên khăn mềm và “lướt” nhẹ vài đường trong vòng 5 phút từ bếp gas, bồn rửa bát, lò vi sóng đến lò nướng. Chắc chắn bạn sẽ có ngay 1 gian bếp sạch bóng để có thể thoải mái chế biến các món ngon, độc đáo cho mọi thành viên trong gia đình cùng thưởng thức rồi!
 
Việc lau dọn bếp trở nên vô cùng đơn giản với sự hỗ trợ hiệu quả của kem tẩy đa năng Cif
3. Vui hơn khi cả nhà cùng làm:
Đừng chỉ một mình vừa lau chùi vừa cằn nhằn trong bếp mà bạn hãy huy động cả nhà cùng góp sức để có được gian bếp sạch bóng.
Chẳng hạn, bạn có thể chụp lại 1 tấm hình cả nhà cùng dọn dẹp vệ sinh bếp và dán ngay lên tủ lạnh để nhắc nhở mọi người tiếp tục phát huy những khoảnh khắc chia sẻ công việc vui vẻ bên nhau trong gian bếp.

Việc nấu nướng và lau dọn bếp sẽ trở thành niềm vui khi cả nhà “chung tay góp sức” cùng nhau
“Việc giữ gìn bếp núc sạch sẽ cũng quan trọng và cần thiết như việc “giữ lửa” hạnh phúc trong mỗi gia đình” – Kim Oanh chia sẻ. Không có gì hạnh phúc bằng việc trở về nhà sau giờ làm, đứng trong gian bếp sạch bóng, ngăn nắp và chế biến các món ngon cho những người thân yêu nhất của mình thưởng thức!
Nguồn: Internet

Đồ uống tốt cho người hay ngồi máy tính

Ngồi máy tính nhiều làm da của bạn bị lão hóa đi trông thấy. Vì thế, cần phải bổ sung những loại đồ uống phù hợp, tốt cho làn da của bạn. 6 món đồ uống sau đây là điều mà bạn cần quan tâm.
1. Trà hoa cúc
Trà có chiết xuất từ hoa cúc có tác dụng tăng cường thị lực, làm mắt sáng trong, chống lại đau đầu và hoa mắt khi sử dụng máy tính quá lâu. Ngoài ra, các chất có trong hoa cúc còn giúp tim bạn khỏe hơn, phòng ngừa bệnh cao huyết áp, sa sút trí nhớ khi làm bạn với máy tính trong thời gian dài.
Trà hoa cúc mát lạnh sẽ làm xua tan cái nóng mùa hè mà còn tốt cho sức khỏe và vẻ đẹp của bạn. Vậy còn chần chừ gì nữa mà bạn không chuẩn bị một chai trà hoa cúc để mang tới công sở hàng ngày?

2. Trà xanh
Trà xanh có chứa hàm lượng chất chống oxi hóa cực cao và nhiều vitamin C giúp làn da của bạn kháng lại các tia xạ có hại từ máy tính phát ra và cả trong không trung. Ngoài việc ngăn chặn tia có hại thì trà xanh còn giúp tuyến thượng thận tiết ra chất hormone có lợi cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, trong trà xanh còn có một hàm lượng nho nhỏ caffeine để giảm căng thẳng cho đầu óc khi sử dụng máy tính, khiến tinh thần thêm phấn chấn để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.

3. Trà chiết xuất từ quả sơn trà
Trà quả sơn trà giúp bảo vệ mắt, tăng cường thị lực, chống khô mắt, chống tình trạng tăng nhãn áp, phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể, làm đẹp da...

4. Nước ép cà rốt
Theo như một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha, nước cà rốt ép được coi là có hàm lượng dinh dưỡng làm đẹp đứng đầu bảng trong các loại hoa quả. Carot có chứa nhiều chất như magie, kali và beta-carotene là một chất giúp chuyển hóa vitamin A giúp tăng cường sức khỏe cho làn da và thị lực.
Tuy nhiên để nước carot ép được hoạt động hiệu quả tốt nhất thì ngay trước hoặc ngay sau khi uống, bạn nên ăn một chút gì đó có dầu mỡ để chuyển hóa sinh tố trong nước cà rốt được tốt hơn. Tuy có lợi nhưng nếu sủ dụng quá nhiều cà rốt sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt tới gan, làm vàng da do thừa vitamin A.

5. Trà hoặc nước chanh mật ong
Mật ong chứa nhiều chất giúp giải độc và nuôi dưỡng làn da. Chanh có nhiều Beta – Carotene chống tác hại lão hóa, làm tươi sáng làn da xám xịt do tác hại của tia xạ từ máy tính mang lại. Ngoài tác dụng làm đẹp, thậm chí chanh còn giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư tụy…
Trà hoặc nước chanh pha mật ong có hương vị thơm ngon còn rất thích hợp để dân công sở pha uống hàng ngày.

6. Nước cà chua
Nước cà chua chứa nhiều vitamin A và C ngăn chặn tận gốc nguy cơ gây ung thư, trụy tim và lão hóa. Trái cà chua không chỉ phòng ngừa các tía xạ trong máy tính và trong bụi không khí mà còn chống oxi hóa, cho làn da tươi trẻ.
 Nguồn: Internet

Tác dụng cực tốt của nước ép dưa chuột

Dưa chuột là  thực phẩm quen thuộc với các chị em nội trợ. Dưa chuột có nhiều tác dụng rất tốt với sức khỏe như làm đẹp da, chữa được nhiều bệnh và dùng để giải khát khá hữu hiệu.


Vào những ngày hè nóng nực, việc lựa chọn và chế biến nước giải khát từ dưa chuột là hết sức hữu ích. Bài viết này xin được giới thiệu một số công thức điển hình để độc giả tham khảo.
Dưa chuột 500g rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, hòa với 20ml mật ong, uống trong ngày. Dùng đặc biệt tốt cho trẻ em bị mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, phát sốt trong mùa hè.

Dưa chuột 500g, dưa hấu 500g, hai thứ gọt bỏ vỏ và hạt, ép lấy nước, hòa với 20ml mật ong, chia uống vài lần trong ngày. Dùng làm nước giải khát, chữa phù thũng và làm đẹp da.

Dưa chuột 500g, bí đao 500g, hai thứ gọt bỏ vỏ và hạt, rửa sạch, thái miếng rồi ép lấy nước, pha thêm một chút muối, dùng làm nước giải khát trong ngày. Đồ uống này đặc biệt tốt với những người thừa cân và béo phì.

Vỏ dưa chuột 100g, vỏ bí đao 100g, hai thứ rửa sạch, sắc với 500ml nước trong 30 phút rồi bỏ bã lấy nước, pha thêm một chút muối, uống trong ngày. Dùng đặc biệt tốt cho những người hay bị phù thũng.

Dưa chuột 300g, bình quả (loại táo to nhập khẩu từ nước ngoài) 200g, chanh 100g. Dưa chuột và táo gọt bỏ vỏ, chanh để nguyên vỏ, bỏ hạt, tất cả thái lát đem ép lấy nước, pha thêm một chút muối, uống trong ngày. Dùng để làm nước giải khát, đặc biệt với những người bị tăng huyết áp, mắc bệnh thận.

Dưa chuột, táo, cà rốt và bưởi múi mỗi thứ 500g, mật ong và nước đun sôi để nguội vừa đủ. Dưa chuột và táo gọt bỏ vỏ, cà rốt rửa sạch thái miếng, bưởi bỏ vỏ và hạt, tất cả đem ép lấy nước, cho thêm nước đun sôi để nguội và mật ong lượng vừa đủ, uống trong ngày. Đồ uống này rất giàu vitamin, vừa giải khát vừa làm đẹp da.

Dưa chuột và bưởi múi mỗi thứ 80g, cà chua 100g, nước cốt chanh 20ml. Dưa chuột và bưởi bỏ vỏ và hạt, cà chua thái miếng, tất cả đem ép lấy nước, hòa với nước cốt chanh, uống trong ngày. Có công dụng giải khát, làm đẹp da và đen râu tóc.

Dưa chuột 300g, củ cải 100g, mật ong 15ml. Dưa chuột và củ cải rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, hòa thêm mật ong, uống trong ngày. Có công dụng giải khát, đặc biệt tốt với những người bị viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi niệu quản và sỏi bàng quang.

Dưa chuột 250g, nho tươi 200g, chuối tiêu 150g, nước cốt chanh tươi 15ml. Dưa chuột rửa sạch thái miếng, nho rửa sạch, chuối tiêu bỏ vỏ thái miếng, tất cả đem ép lấy nước, uống trong ngày. Dùng làm nước giải khát, đặc biệt tốt với những người bị bệnh thận, thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong 100g dưa chuột tươi có chứa 96g nước; 0,6g protein; 0,1g mỡ; 22g đường; 12mg Ca; 0,3mg Fe; 15mg Mg; 24mg P; 45 đơn vị quốc tế vitamin A; 0,03mg vitamin B1; 0,02mg vitamin B2; 0,3mg niacin, 12mg vitamin C. Vì dưa chuột tính lạnh nên những người tỳ vị hư hàn, hay bị rối loạn tiêu hóa, đi lỏng không nên dùng.

Đồ ăn vặt tốt cho mùa thi

Mùa thi đang tới gần. Vì thế, chăm sóc sức khỏe cho con cái là điều mà các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu. Đồ ăn vặt nào tốt cho sức khỏe của con cũng là vấn đề được quan tâm nhiều.
Sô cô laSô cô la không chỉ thơm ngon mà còn có lợi cho bộ não và có thể giúp cải thiện tâm trạng. Ăn sô cô la kích thích sản sinh endorphin cải thiện sự tập trung.
Sô cô la sữa đã được chứng minh giúp cải thiện trí nhớ. Sô cô la đen rất giàu flavanol tăng cung cấp máu cho não và giúp cải thiện kỹ năng nhận thức.
Quả mọng
Các loại quả mọng như quả việt quất được biết đến với việc cải thiện kỹ năng vận động và khả năng học tập, trong khi dâu tây rất giàu fisetin, một loại flavenoid giúp bạn dễ dàng nhớ lại những thông tin đã nạp vào đầu.
Quả mâm xôi cũng tốt cho não nhờ chứa nhiều chất chống ô xy hóa.
Sữa chua
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tyrosine, một loại a xít amin có trong sữa chua, chịu trách nhiệm sản xuất của chất dẫn truyền thần kinh dopamine và noradrenalin. Theo trang tin mensjournal.com dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe, ăn sữa chua giúp cải thiện sự tỉnh táo và bộ nhớ.
Trà
Trà mới được pha đã được chứng minh cải thiện trí nhớ và tăng khả năng tập trung và chống mệt mỏi.
Trà xanh là lựa chọn tốt nhất để thư giãn tinh thần và giữ cho trí não sắc bén nhờ vào hàm lượng phong phú catechine trong trà. Trà đen cũng được xem là chất tăng cường não.

Hạt bí rang, hạt hướng dương
Cắn hạt bí rang giúp bạn thư giãn đầu óc vì hạt bí có chứa tryptophan, chất đem lại cảm giác thư thái, trong khi hạt hướng dương khô cung cấp thiamine, một dạng vitamin B, giúp cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức.
Trái cây họ cam quýt và trái cây nhiều màu sắc khác
Quả bơ đặc biệt hiệu quả trong việc tăng lưu lượng máu đến não nhờ hàm lượng chất béo không bão hòa chứa trong bơ.
Một số trái cây khác tác động tích cực đối với não và giúp bạn nhớ lại các thông tin một cách nhanh chóng là dưa hấu, cà chua, mận, dứa (thơm), cam, táo, nho, quả kiwi, đào và cherry.

 Nguồn: Internet

Đồ ăn nhẹ cho mẹ bầu

Phụ nữ mang bầu thường hay cảm thấy đói và có cảm giác đói nhiều hơn. Vì thế, chuẩn bị ăn vặt cho phụ nữ mang bầu là một trong những điều cần thiết. Phụ nữ mang bầu nên ăn những món dưới đây để bổ sung đủ năng lượng nhé.
Đậu
 
Những cây họ đậu chứa rất nhiều chất đạm, axit folic, chất xơ, ít chất béo. Như chúng ta đã biết axit folic là một trong những khoáng chất quan trọng nhất giúp bé giảm nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh. Chất xơ giúp mẹ bầu duy trì được một trọng lượng an toàn bởi chúng có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp mẹ bầu có cảm giác no lâu. 
 
Rất đơn giản, bạn có thể tìm mua nó trong các siêu thị lớn, chúng thường được đóng thành từng hộp thực phẩm nhỏ. Và nếu có thời gian, bạn có thể tự tay chế biến cho mình một hộp đậu Hà Lan ngâm chua ngọt và để dành ăn dần trong tủ lạnh.  

Sữa
 
Sữa và các chế phẩm từ sữa như váng sữa, phô mai, sữa chua ít béo là những món ăn vặt rất tốt dành cho sức khỏe bà bầu, tốt cho cả sự phát triển của thai nhi. Sữa và các chế phẩm từ sữa giúp hai mẹ con tăng cường độ rắn chắc của khung xương, cung cấp canxi cho bà bầu và em bé.
 
Ngoài ra mẹ bầu có thể đổi vị bằng việc trộn sữa chua hoa quả để thưởng thức cũng là một ý kiến không tệ, những cốc sữa chua hoa quả là một món ăn nhẹ rất mát dịu vào tiết trời oi ả của mùa hè như hiện nay. 

Trứng
 
Một yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển hoàn hảo trong suốt thai kỳ của mẹ bầu và thai nhi chính là protein. Protein có mặt nhiều trong trứng, chúng có tác dụng thúc đẩy sự hình thành và phát triển não bộ của em bé. Thêm vào đó trứng còn chứa các acid béo giàu DHA – chúng có tác dụng giúp ngăn ngừa sự sinh non ở mẹ bầu. 
 
Bảo quản trứng cũng không quá cầu kỳ so với những món đồ khác (trứng để trong tủ lạnh bảo quản được 1 vài tuần). Bạn có thể mất 5 phút để luộc chín 1 quả trứng hoặc có thể chiên lên để thưởng thức cùng với chút mì ống, khoai tây nướng – một thực đơn ăn nhẹ cho bà bầu cũng khá thú vị đấy chứ!
 
Rau chân vịt đông lạnh
 
Sự đa dạng của thực phẩm đông lạnh khiến thời gian chuẩn bị được rút ngắn lại. Như ta đã biết rau chân vịt chứa một nguồn chất sắt khổng lồ, giúp bà bầu chống lại hiện tượng thiếu máu khi mang thai. 
 
Bạn có thể mua những hộp rau này ở rất nhiều siêu thị lớn. Trước khi ăn bạn cần rã đông sau đó bạn có thể trộn rau với nước sốt cà chua ăn kèm với món trứng tráng. 

Trái cây
 
Dù ở dưới dạng nào (tươi, khô hay đông lạnh) thì trái cây luôn là một đồ ăn nhẹ rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Trái cây giàu chất xơ (chúng giúp bà bầu giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và giảm bớt hiện tượng táo bón), chúng ít calo, giàu vitamin. 
 
Bạn có thể chọn cam, táo, quýt, chuối, lê cho bữa ăn nhẹ của mình. Nếu mua trái cây đóng hộp bạn cần kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng cẩn thận trước khi sử dụng. Hoa quả khô cũng là một lựa chọn  lành mạnh cho bạn, đó có thể nho khô, mơ, nam việt quất...
 
Các loại hạt 
 
Trong quá trình mang thai, có nhiều bà bầu rất thèm ăn bánh sandwich phết đầy kem. Tuy nhiên bạn nên hạn chế món này vì chúng giàu chất béo, nhiều calo, nếu ăn ít thì không sao nhưng khi ăn nhiều thì nó sẽ ảnh hưởng tới sự lên cân của chính bạn và em bé. Bạn có thể có lựa chọn khác như bánh sandwich phết đậu phộng, hạnh nhân, hoặc hạt điều... nghiền, các loại hạt không chỉ ngon mà rất tốt cho sức khỏe, chúng rất giàu protein, chúng lại chứa chất béo lành mạnh như DHA (chất có tác dụng phát triển trí não của trẻ).
 
 

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More